Nếu trên thị trường thực phẩm có cuộc chiến huyền thoại giữa Pepsi và Coca – Cola hay McDonald’s với Burger King thì với thị trường thời trang thể thao ta không thể không nhắc đến cuộc chiến của NIKE và ADIDAS.
Cuộc chạy đua giữa hai gã khổng lồ này đã kéo dài hàng thập kỉ, xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, và tất nhiên người hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến này lại là những khách hàng. Giờ ta thử đi vào trận chiến này xem giữa Nike và Adidas, ai mới là người nắm giữ ngôi vương trong thị trường thời trang thể thao. Bài viết này dựa theo góc nhìn của người viết vì thế còn nhiều thiếu sót, mong các bạn thông cảm!
1. Lịch sử hình thành.
Thời trang Nike được thành lập năm 1964 dưới bàn tay tài hoa của hai nhà thiết kế Bill Bowerman và Philip Knight. Năm 1980, Nike vượt qua Adidas trở thành công ty dẫn đầu về giày thể thao ở Mỹ. Năm 1984, Nike kí hợp đồng với Michael Jordan, từ đó Michael Jordan trở thành thần tượng của giới trẻ Mỹ và giày Air Jordan cũng trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục của thanh thiếu niên Mỹ. Ngày nay, thương hiệu thời trang Nike được biết đến là nhà cung cấp quần áo , giày dép, dụng cụ thể thao hàng đầu thế giới.
Nhắc đến Adidas người ta sẽ nghĩ ngay đến một trong những thương hiệu đầy quyền năng trong mọi lĩnh vực thể thao. Và đằng sau cái tên của một thương hiệu luôn có một hành trình kì diệu, và Adidas cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cuộc hành trình của Adidas bắt đầu từ người thợ đóng giày Adi Dassler. Hiện nay, tuy Adidas đã đánh mất ngôi vương vào tay Nike, nhưng với lịch sử phát triển cùng với sự đột phá trong thiết kế, Adidas luôn là niềm tự hào của người Đức.
2. Cuộc chiến toàn cầu.
Nike của Mỹ và Adidas của Đức, 2 ông lớn trên thị trường đồ thể thao, luôn so kè nhau. Hiện nay, Nike đang giữ khác chắc vị trí dẫn đầu với tổng doanh thu 30.6 tỉ USD so với 16,3 tỉ USD của Adidas. Tuy nhiên, Adidas cũng đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng doanh thu lên 24 tỉ USD vào năm 2020.
Theo ước tính, thị trường giày thể thao toàn cầu trị giá 55 tỉ USD. Trong đó, riêng Mỹ đã là 28 tỉ USD, tăng gần 50% so với 5 năm trước. Chính vì vậy, thị trường Mỹ sẽ là nơi quyết định ngôi vị ông vua đồ thể thao giữa Adidas hay Nike.
Với 62% thị phần trong tay, Nike đang là ông vua của thị trường giày thể thao Mỹ, trong khi Adidas khoảng 5%. Với 650 nhà thiết kế, so với 200 của Adidas, Nike có thể dễ dàng phát triển và tung ra sản phẩm mới bất cứ lúc nào họ muốn. Và dĩ nhiên, không thể không kể đến khoản ngân sách 3 tỉ USD dành cho marketing mà Nike bỏ ra hàng năm.
Trong khi đó, mặc dù là ông vua của mảng đồ bóng đá và cạnh tranh ngang ngửa với Nike ở châu Âu, Adidas lại đang vấp phải nhiều khó khăn ở Mỹ. Họ đã bị tuột xuống vị trí hạng 3 trên thị trường đồ thể thao, thua cả thương hiệu mới nổi Under Armour cũng của Mỹ.
Vì vậy, từ giữa năm 2014 đến nay, Adidas đã tập trung vào việc tái cơ cấu và thay đổi chiến lược, nhằm khôi phục lại thế đứng của mình.
3. Cuộc chiến chất xám kéo dài cả thập kỉ.
Từ 10 năm nay, Nike và adidas tranh nhau đến từng cá nhân. Nike đã từng chiêu mộ được bộ 3 thiết kế khét tiếng làng thời trang là Mark Miner, Marc Dolce, và thiên tài Denis Dekovic, kẻ đã từ một nhân viên thiết kế quèn lên tới chức giám đốc thiết kế mảng giày đá bóng của Nike.
Ngay cả Mark Miner, tay chơi trẻ nhất trong team thiết kế cũng là tác giả của hàng loạt siêu phẩm, trong đó có Air Force 1 lừng danh, gã xăm trổ này rời bỏ Michael Kors để tới với Nike từ năm 2007.
Năm 2014, nản lòng với áp lực bóc lột của Nike, bộ ba Miner/Dolce/Dekovic đã tính toán đến chuyện ra đi, điều đáng ngạc nhiên là adidas đánh hơi được và đưa ra một ý tưởng KHÔNG TỒI: Đầu tư cho 3 người mở studio riêng, bên trên treo banner quảng cáo của adidas, còn họ được trả tiền để thiết kế và sản xuất bất cứ gì mình thích, miễn là tuân theo tiêu chí “phản Nike”.
Và tất nhiên, nước cờ đỉnh cao này của adidas đã khiến Nike bực tức và đâm đơn kiện bộ 3 lên tới 10 triệu USD với các cáo buộc vi phạm hợp đồng lao động, gián điệp kinh tế, âm mưu phá hoại. Trong đó nặng tội nhất là Dekovic với cáo buộc ăn trộm các mẫu thiết kế trước khi ra đi.
Tuy vậy, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra 27 máy tính, 70 nghìn trang tài liệu thì vẫn chẳng thu được bằng chứng gì, hai tháng sau, vụ kiện chìm vào im lặng với các thỏa thuận mà chỉ Nike với adidas mới biết.
Ngay sau khi giải quyết xong kiện tụng, bộ 3 này đã chính thức là người của adidas dưới sự quản lý của giám đốc thiết kế toàn cầu Paul Gaudio, một nghệ sĩ đích thực luôn tìm kiếm sự mới mẻ.
“Tôi dành tất cả sự kính trọng cho Nike, nhưng họ không dọa được tôi đâu. Họ quá lớn, quá nặng nề và bão hòa, còn tôi, tôi nghĩ khách hàng cần những thiết kế đột phá và cá tính”
Theo tiết lộ của Paul, thì xưởng thiết kế của adidas trông chẳng khác gì một phim trường với đủ các loại thiết kế, cái đẹp, cái lạ, cái thì quái đản và “thần kinh”, tất cả chúng đều được các designer trẻ tuổi làm nên, đương nhiên Paul luôn cổ xúy cho điều đó.
Dù cho có như thế nào, thì mục đích của Nike và Adidas cũng vẫn là cống hiến sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất cho khách hàng. Vì thế theo tôi NIKE và Adidas, ai nắm giữ ngôi vương đều không quan trọng. Còn câu trả lời của bạn là gì?
Bình luận