Một trong những lý do giúp Nike trở thành ông trùm trong thế giới giày là vì Nike không ngừng sáng tạo. Các sản phẩm của Nike luôn hướng đến tối ưu khả năng sử dụng cho vận động viên hay cho người sử dụng bình thường, nhưng không vì thế mà Nike bỏ quên yếu tố thời trang cá tính, điều mà không thấy được ở các thương hiệu khác. (Cá nhân mình thì thấy Nike thiết kế không đẹp bằng Adidas, xin lỗi mấy bạn fan hâm mộ Nike nhé). Và đã nhắc đến Nike thì ta phải nhắc đến các công nghệ của Nike, vì vậy hôm nay tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu một công nghệ đến từ tương lai – công nghệ Flyknit.
Flyknit là sáng tạo công nghệ mới nhất từ Innovation Kitchen của Nike (Innovation Kitchen – Bếp sáng tạo, là nơi nghiên cứu, thử nghiệm và phát minh ra các công nghệ thể thao của Nike, ví dụ như Nike Free, Lunarlon, Flywire, Hyperfuse…). Flyknit là tên của một công nghệ mới áp dụng cho phần thân trên của giày. Công nghệ này sử dụng các loại sợi đặc biệt được đan một cách khoa học tạo nên một miếng vật liệu liền mạch mềm như len nhưng rất chắc chắn đàn hồi. Công nghệ Flyknit có thể thay thế hoàn toàn các vật liệu làm giày truyền thống như da, vải, mesh,…, vốn sinh ra rất nhiều rác thải trong quá trình sản xuất cắt nhỏ. Nhờ vậy, Flyknit được đánh giá rất thân thiện với môi trường, do rác thải tạo ra trong quá trình sản xuất gần như bằng không.
Công nghệ Flyknit giúp tạo nên một thân giày nhẹ và ôm sát bàn chân giống như một đôi vớ. Các sợi Flyknit đàn hồi co giãn theo chuyển động của bàn chân giúp tối ưu sự linh hoạt và thanh thoát khi vận động. Xem video dưới đây để hiểu vì sao Nike gọi Flyknit là một phần mở rộng của bàn chân nha các bạn.
Nhờ công nghệ mới này mà giờ đây đôi giày chạy chỉ nặng 5,6 ounce (khoảng 158.76g). Và điều tuyệt vời nhất là công nghệ này hứa hẹn sẽ cắt giảm chi phí lao động, thời gian sản xuất trong khi nâng cao lợi nhuận biên cũng như khả năng tạo ra những đôi giày độc đáo mang tính cá nhân (thế này thì khổ cho những nước gia công giày như Việt Nam rồi). Thậm chí công nghệ trên còn được kỳ vọng sẽ mang về cho nước Mỹ nhiều việc làm hơn trong ngành sản xuất giày.
Bình luận