Chắc hẳn khi đọc tiêu đề của bài viết này, bạn sẽ nghĩ mình là một thằng fan cuồng của Nike, viết bài nâng dìm các thương hiệu “khủng” khác xuống như Adidas, Asics, Puma… Nhưng bạn thử nghĩ xem, khi bạn nghĩ đến mua một đôi giày thì bằng cách nào đó Nike và cái logo Swoosh sẽ hiện ra trong đầu bạn, cho dù bạn là fan trung thành của Reebook, hay là một con nghiện Adidas… thì Nike cũng sẽ xuất hiện, cho dù chỉ thoáng qua. Và bạn có dám cá rằng, bạn đã có ít nhất một lần xỏ chân vào một đôi giày Nike (cho dù là hàng Fake hay Real). Phải công nhận rằng Nike có sức ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp giày, những lý do nào đã giúp Nike thống trị ngành công nghiệp giày của thế giới, các bạn cùng đón xem với mình nhé!
1. Thương hiệu.
Đã bao nhiêu lần bạn thấy dòng chữ “Just Do It” xuất hiện? Bạn thấy nó ở đâu? Khi bạn nghe 3 từ đó, bạn nghĩ thế nào? Nike rất biết cách quảng bá thương hiệu của mình, trong những quảng cáo độc đáo, hay đơn giản hơn là in lên quần áo và bán ra, tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Một áo thun bình thường, in một dòng trích dẫn (quote) lên và gắn kèm logo swoosh. Hay là những mẫu áo đi kèm với giày, áo in hình giày. Đó chính là cách quảng bá của Nike. Cực kì đơn giản – cực kì thành công.
2. Sự đa dạng trong lựa chọn
Bên cạnh các môn thể thao phổ thông như bóng đá, bóng rổ,… thì Nike cũng cạnh tranh với các hãng khác, chắc hẳn không mấy người biết Nike có giày cho boxing, có giày cho môn cử tạ (weightlifting). Nike đã giúp người mua dễ dàng hơn trong việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với giày của họ bán. Những áo khoác mùa đông của Nike cạnh tranh với thương hiệu The North Face. ACG Boot cạnh tranh với Timberland. Vớ Elite cạnh tranh với vớ HUF. Nike SB dành cho những tay trượt như Eric Koston, Stephan Janoski cạnh tranh với các thương hiệu Vans, Circa,… “The Swoosh is everywhere”, từ một thương hiệu thể thao, Nike đã lấn sang thời trang, quần áo mũ nón mắt kính balo và hàng trăm sản phẩm khác.
3. Khách hiện nay đã chú trọng đến vấn đề sức khỏe.
Số lượng người tham gia các sự kiện đi bộ, chạy marathon tăng trung bình 9% mỗi năm. Các phân tích cũng chỉ ra rằng giới trẻ chú trọng việc tập luyện thể thao để duy trì sức khỏe hơn là ăn kiêng như bố mẹ của chúng.
Theo Morgan Stanley: “Việc gia tăng tập luyện thể thao sẽ đồng thời làm tăng sức tiêu thụ của các mặt hàng thể thao”. Chính điều này sẽ giúp cho Nike củng cố doanh thu của mình một cách đều đặn.
4. Quảng cáo
Đã có 1 số thương hiệu khác cố gắng đưa sneakers trở thành tâm điểm của đoạn quảng cáo của họ, thành công có nhưng thất bại cũng không ít. Riêng Nike thì khác, chủ đề của Nike chỉ xoay quanh thể thao, đồng đội, tập luyện không ngừng nghỉ. Nike chẳng cần đăng nhiều hình ảnh để quảng bá, họ chỉ cần “rò rỉ” 1 đến 2 tấm hình về phiên bản, mẫu thiết kế mới sắp ra mắt và sẽ có hàng ngàn lượt bình luận về nó. Những đoạn clip về động lực (motivation) luôn thúc đẩy bạn có suy nghĩ tập luyện hết mình khi xem nó, hãy thử tìm kiếm trên youtube một đoạn Nike Motivation Commercial và kiểm chứng xem. Và họ có hàng trăm cách để khiến chúng ta trò chuyện mà không thể không đề cập đến thương hiệu này.
5. Sự cạnh tranh
Đứng trước Nike là nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thể thao như Under Armour, Adidas, New Balance. Chính vì cuộc chạy đua gay gắt giữa các “ông lớn” mà thị trường luôn có những sản phẩm mới nhất, tích hợp những công nghệ hiện đại nhất. Tất nhiên, khách hàng sẽ là những người bị cuốn theo cuộc chạy đua này. Cũng chính vì điều này đã thôi thúc Nike tiếp tục nghiên cứu phát triển ra những công nghệ mới, và được đông đảo người dùng đó nhận.
6. Người tiêu dùng quan tâm đến sự thoải mái hơn là hình thức
Bạn thường hay bắt gặp những cô nàng mặc quần yoga với đôi sneaker dưới chân, đây chính là một động thái cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm đến sự thoải mái cũng những bộ outfit hơn là hình thức của chúng.
Nắm bắt được xu hướng này, Nike đã khai trương hẳn một cửa hàng phục vụ riêng cho nữ giới với tại California.
7. Tính tương tác cao
Nike ở mọi nơi, outlet, cửa hàng bán lẻ, những shop nhỏ, siêu thị (không phải siêu thị coop mart đâu đừng vào tìm phí thời gian, nó là mall như vincom diamond cresent ấy). Nike cố gắng xuất hiện ở mọi nơi, những shop bán giày nhỏ thường nhập sản phẩm về để bán bên cạnh những thương hiệu khác vì họ biết chắc chắn sẽ bán được. Nike cho phép khách hàng tương tác với họ ở mọi nơi, điều này chính là sự khác biệt giữa Nike và các thương hiệu khác.
8. “Gốc rễ” từ Oreagon
Người bình thường thì chỉ nghĩ Oregon là một tiểu bang của Mỹ thôi, nhưng đối với sneakerhead thì khi nhắc đến Oregon, trong đầu họ nhảy ra hàng loạt phiên bản Player Exclusive, với cái giá bán lại tầm vài ngàn đô, với phối màu xanh lá vàng quen thuộc. Nike chẳng phải bận tâm mấy khi mà “những chú vịt Oregons” là một trong những đội bóng bầu dục đứng đầu bảng xếp hạng hiện nay. Những cầu thủ, hay sinh viên của đại học University of Oregon được hỗ trợ ở mức tốt nhất. Mọi người càng chú ý đến Nike hơn vì sự hợp tác giữa Nike và đội bóng bầu dục Oregon. Khác với những sinh viên ở New York hay L.A. thường sa vào những tệ nạn, sinh viên ở Oregon chủ yếu là cầu thủ bán những phiên bản PE trên eBay, mặc dù điều này bị cấm nhưng biết làm sao được, không mang hay lỡ tiêu hết tiền rồi thì bán thôi.
9. Sự kiện/Lưu diễn thế giới
Nike biết cách mở rộng thị trường bằng các sự kiện, những Tour lưu diễn với các siêu sao của họ. Tour diễn của Kevin Durant hay của Kobe Bryant ở Trung Quốc là những sự kiện thành công nhằm quảng bá cho chính mình cũng như cho các cầu thủ.
10. Tài trợ cho những tên tuổi trong ngành thể thao.
Nike đang tài trợ cho những cái tên “nổi như cồn” trong ngành thể thao, đá banh thì có Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo và hàng loạt các cầu thủ quốc tế khác. Bóng rổ có LeBron James, Kobe Bryant, Kevin Durant,… Nike cũng tài trợ cho đội tuyển USA khi thi đấu Olympic hoặc thi đấu những giải đấu quốc tế. Và cứ như thế, khi các vận động viên lên sân thì máy quay sẽ chỉ vào họ, và logo swoosh xuất hiện cùng với cầu thủ đó.
Bình luận